Vietnamese English 
Vietnamese English 

Tips học ngữ pháp tiếng Đức có hiệu quả không thể bỏ qua

Mỗi thứ tiếng lại khó một kiểu. Nếu như tiếng Trung, tiếng Nhật, tiếng Hàn ngữ pháp khá đơn giản thì người học lại gặp rào cản lớn về mặt chữ viết. Ngược lại, phần lớn ngôn ngữ phương Tây như Anh, Đức, Pháp có kiểu chữ khá giống chữ viết tiếng Việt nhưng bù lại bạn sẽ gặp khó khăn trong việc học ngữ pháp.

tip hoc ngu phap tieng duc
Tips học ngữ pháp tiếng Đức

Trước khi bắt đầu học một ngôn ngữ, ai cũng tự hỏi liệu ngôn ngữ đó có khó không? Thật sự thì khi bạn chọn học ngoại ngữ nào đó chắc chắn bạn đã xác định cho mình mục tiêu hoặc dự định sẽ làm gì với nó. Liệu bạn có từ bỏ ước mơ của mình nếu câu trả lời là ngoại ngữ đó học rất khó không? Đối với những người xuất phát điểm là không sử dụng ngoại ngữ như tiếng mẹ đẻ thì mức độ khó ở mỗi thứ tiếng là ngang nhau.

Vậy nên nếu đã quyết tâm học ngoại ngữ đừng hỏi nó có khó không mà hãy hỏi ngoại ngữ này có gì đặc biệt, có quy luật hay không? Với nhiều người học ngoại ngữ đơn giản là để có thể giao tiếp được, nhưng để sử dụng ngoại ngữ cho mục đích học tập và làm việc thì học ngữ pháp chính là nòng cốt.

Người học ngoại ngữ không ai chưa từng nghe câu: “Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam”. Tiếng Việt – ngôn ngữ sử dụng bằng chữ cái Latinh nhưng ngữ pháp lại theo hệ ngữ pháp châu Á: không chia động từ, vị trí thành phần câu linh hoạt, ngôi xưng đa dạng. Chính bởi tính linh động, đa nghĩa của ngữ pháp tiếng Việt là rào cản lớn nhất đối với những người học tiếng Đức.

Tiếng Đức được mọi người xếp vào danh sách ngôn ngữ khó nhất trên thế giới là do sự phức tạp của ngữ pháp. Nếu như tiếng Anh bạn chỉ phải học mạo từ a/an/the thì sang tiếng Đức thứ bạn phải học sẽ nhân lên gấp 12 lần với 3 giống và 4 cách, vị trí cố định của động từ, quy tắc chia động từ,…

Chắc chắn bạn sẽ bị choáng ngợp bởi lượng kiến thức tuy nhiên ngữ pháp tiếng Đức lại rất chặt chẽ và có quy tắc nhất định. Vì vậy chỉ cần nắm vững quy tắc việc bẻ khóa ngữ pháp tiếng Đức là không hề khó (tất nhiên cũng sẽ có những trường hợp ngoại lệ phải học thuộc).

Xem thêm: 05 bộ giáo trình tiếng Đức dành cho người mới bắt đầu

6 ngữ pháp đặc biệt trong tiếng Đức

Như đã giới thiệu ở trên mỗi ngôn ngữ đều có một điểm đặc biệt riêng, cái riêng biệt đó có thể là sợi chỉ đỏ xuyên suốt hệ ngữ pháp, mà chỉ cần nhìn thấy người ta sẽ biết ngay được đó là ngôn ngữ nào. Trong tiếng Đức cũng vậy, có 6 thứ bất di bất dịch mà người học phải luôn nắm vững:

  • Danh từ luôn được viết hoa

Nếu như trước nay trong tiếng Việt và tiếng Anh chúng ta được học chỉ viết hoa đối với tên riêng, tên người và bắt buộc viết hoa đầu dòng thì sang tiếng Đức bạn phải luôn nhớ trong đầu danh từ phải VIẾT HOA nhé. Đây là những lỗi cơ bản đối với những người mới bắt đầu học tiếng Đức.

Học ngữ pháp tiêng Đức
Học ngữ pháp tiếng Đức

Ví dụ: – Tiếng Việt: Nhà của tôi rất to.

           – Tiếng Anh: My house is very big.

           – Tiếng Đức: Mein Haus ist sehr groß.

  • Danh từ luôn luôn có giống

Một trong những điểm nổi bật nhất của ngữ pháp tiếng Đức chính là giống của danh từ. Trong tiếng Đức danh từ có 3 giống: đực (der), cái (die), trung (das). Trừ một số đuôi từ có thể giúp bạn phân biệt giống thì phần lớn phải học thuộc và nhớ dần trong quá trình học. Giống của danh từ cũng chi phối đến quán từ và chia theo từng cách.

Ví dụ:  der Vater – die Mutter – das Baby

            Nominativ: Der Hund ist braun.

            Akkusativ: Ich sehe den Hund

            Dativ: Ich kaufe dem Hund das Essen.

            Genitiv: Ich kaufe das Essen des Hundes.

Thêm một điểm cần chú ý là trong ngữ pháp tiếng Đức tân ngữ có thể đặt lên đầu câu, vì vậy sẽ rất dễ nhầm lẫn để phân biệt chủ ngữ và tân ngữ trong câu. Lúc này nếu bạn nắm chắc giống danh từ và chia đúng theo từng cách thì không phải sợ nhé.

Ví dụ: Den Mann beißt der Hund.

Câu này hiểu là Người đàn ông cắn con chó à? Nghe có vẻ ngược ngược sao ấy nhỉ? Các bạn đã tìm được chủ ngữ và tân ngữ trong câu chưa?

  • Tính từ được chia đuôi theo giống của danh từ

Giống và cách đóng vai trò vô cùng quan trọng, là kim chỉ nam xuyên suốt toàn bộ ngữ pháp tiếng Đức. Ngoài việc chi phối đến quán từ thì tính từ cũng bị ảnh hưởng bởi 2 yếu tố này, kể cả danh từ không có quán từ đi kèm thì tính từ cũng bị chia đuôi theo các cách.

Ví dụ: Das große Haus ist alt.

           Er hat einen roten Apfel.

           Die schöne Tasche ist aus Leder.

           Heißes Essen schmeckt gut.

  • Biến hóa đa dạng đuôi danh từ số nhiều

Đối với ngôn ngữ không biến hình như tiếng Việt, khi muốn chuyển danh từ từ số ít sang số nhiều chúng ta chỉ cần thêm lượng từ “những”, “các”,… . Tuy nhiên với ngôn ngữ biến hình như tiếng Anh, tiếng Đức thì để chia danh từ số nhiều người ta phải chia trực tiếp lên danh từ đó. Ví dụ như tiếng Anh, danh từ số nhiều thêm đuôi -s hoặc -es (VD: Books, Buses,…). Thế nhưng tiếng Đức không chỉ có 2 đuôi:

  • Đuôi -e: der Tisch – die Tische, die Kuh – die Kühe, das Tier – die Tiere
  • Đuôi -(e)n: der Student – die Studenten, die Idee – die Ideen, das Bett – das Betten
  • Đuôi -er: der Wald – die Wälder, das Kind – die Kinder, das Bild – die Bilder
  • Đuôi -s: der Park – die Parks, die Oma – die Omas, das Sofa – die Sofas
  • Thêm Umlaut (ä,ö,ü): der Bruder – die Brüder, der Apfel – die Äpfel
  • Giữ nguyên: der Physiker – die Physiker, das Viertel – die Viertel
  • Động từ ở vị trí thứ 2

Các thành phần câu trong tiếng Đức có thể linh hoạt thay đổi vị trí cho nhau riêng chỉ có động từ là luôn cắm rễ ở vị trí thứ 2. 

Ví dụ: Meine Eltern und ich fliegen heute nach Deutschland.

           Heute fliegen meine Eltern und ich nach Deutschland.

           Nach Deutschland fliegen meine Eltern und ich heute.

Trong những trường hợp đặc biệt như câu hỏi, câu cầu khiến hay câu phụ thì vị trí động từ sẽ thay đổi. Tuy nhiên, về phần kiến thức này chúng ta sẽ tìm hiểu kỹ hơn ở từng trình độ.

Ví dụ: Gehst du heute ins Kino?

           Lauf schnell!

           Wir schenken ihm eine Uhr, weil heute sein Geburtstag ist.

  • Ngôi thứ 2 không chỉ là bạn (du)

Nỗi trăn trở đầu tiên của người nước ngoài khi học tiếng Việt là ngôi xưng hô, bởi nó còn phụ thuộc vào vai vế, mối quan hệ xã hội. Vì vậy trong tiếng Việt ngôi thứ 2 vô cùng đa dạng và linh động: anh, chị, em, ông, bà, tớ, cậu,… tùy vào ngữ cảnh phải chọn lọc và sử dụng hợp lý. Khi học tiếng Anh thì vấn đề này được giải quyết triệt để bởi ngôi thứ 2 chỉ sử dụng “you” cho dù mối quan hệ xã hội có phân biệt như thế nào. Tưởng chừng 2 ngôn ngữ phương Tây này sẽ giống nhau nhưng không hẳn các bạn ạ, cùng tham khảo nhé

Tiếng Anh Tiếng Đức
Số ít you du
Số nhiều you ihr
Thân mật, gần gũi you du/ ihr
Lịch sự, trang trọng you Sie

Việc sử dụng ngôi thứ 2 hợp lý rất quan trọng trong giao tiếp với người Đức, qua đó đánh giá được mức độ mối quan hệ của chúng ta. Du thể hiện mối quan hệ gần gũi (bạn bè, gia đình, anh chị em với nhau) còn Sie thể hiện qua hệ trang trọng (người lớn tuổi, đồng nghiệp, giáo viên, cấp trên hay người lạ)

Ví dụ: Kannst du mir deinem Lieblingsbuch leihen?

           Können Sie mir dieser Aufgabe erklären? 

Đây mới chỉ là những nét cơ bản trong ngữ pháp tiếng Đức nhưng qua đó để nhận ra rằng có rất nhiều quy tắc phải nhớ để áp dụng chính xác. Nhưng bù lại thì nó rất quy tắc và logic, chỉ cần dành thời gian và tập trung học bài bản thì có thể nắm chắc.

Cách học ngữ pháp tiếng Đức

tip hoc ngu phap tieng duc
Tip học ngữ pháp tiếng Đức

Ở cấp độ A1-B1 tập trung tất cả các điểm ngữ pháp cơ bản, tuy nhiên đó cũng chính là những viên gạch đầu tiên để đặt nên nền móng vững chắc cho những trình độ cao hơn. Vì vậy, để nền móng của mình vững chắc, không bị sụp đổ bạn cần phải nắm chắc kiến thức cơ bản, vận dụng nhuần nhuyễn chúng. Giai đoạn này khá dễ, chủ yếu cần sự chăm chỉ, tập trung. Dưới đây là một số tipp mình chọn lọc từ kinh nghiệm bản thân cùng như học hỏi được để chia sẻ cho mọi người:

  • Lập kế hoạch, mục tiêu rõ ràng

Lên kế hoạch, hệ thống khi bắt đầu làm gì đó là điều vô cùng quan trọng, kể cả trong việc học. Thay vì nói rằng hôm nay tôi sẽ học ngữ pháp tiếng Đức, thì hãy lên kế hoạch chi tiết trong ngày. Ví dụ, 2 tiếng buổi sáng sẽ học về các thì, buổi chiều học chia đuôi tính từ.

  • Tự chọn phương pháp học phù hợp với bản thân

Có rất nhiều phương pháp học tập, tuy nhiên mỗi người sẽ có cách dung nạp khác nhau, tùy theo tính cách mà mỗi người sẽ có cách học riêng. Học ngoại ngữ qua phim ảnh, bài hát,… tuy nhiên không phải ai cũng phù hợp với phương pháp này. Vì vậy, hãy dành thời gian tìm hiểu phương pháp học tập phù hợp với bản thân, từ đó tự lên kế hoạch và đề ra những hoạt động thích hợp để việc học đạt hiệu quả tốt nhất.

  • Luôn luôn có bên mình 1 cuốn sổ nhỏ để ghi lại những cấu trúc ngữ pháp kèm theo 1 vài ví dụ minh họa

Bên cạnh vở ghi trên lớp, bạn nên trang bị cho mình cuốn sổ nhỏ – kim từ điển để có thể ghi lại bất cứ những gì bạn thấy hay và mới lạ. Tốt nhất là 1 cuốn học từ vựng và 1 cuốn ngữ pháp riêng. Bạn vô tình đọc một bài báo, xem một bộ phim hay nghe một bài hát, nếu thấy có cấu trúc ngữ pháp nào hay có thể viết lại để học. Ghi chép và tập hợp lại nhưng hãy nhớ là phải thường xuyên ôn tập, kiểm tra lại nhé, đừng chỉ ghi rồi để đó thì phí lắm.

Đừng quên bạn còn có thể so sánh, phân tích những cấu trúc ngữ pháp giống nhau hoặc trái nghĩa nhau trong đó, nó sẽ giúp bạn rất nhiều trong quá trình học, sử dụng được nhiều cấu trúc hơn, vốn từ cũng mở rộng hơn.

Ví dụ: Cấu trúc ngữ pháp Nebensatz: … um … zu … và …,damit… cùng diễn tả một ý nghĩa, tuy nhiên cách sử dụng khác nhau:

… um … zu: dùng khi chủ ngữ giống nhau

Damit …: dùng khi chủ ngữ khác nhau

  • Các website tham khảo học ngữ pháp tiếng Đức

Deutsch Welle – Website tự học tiếng Đức A1

Website có nhiều khóa học miễn phí phù hợp cho những bạn đang bắt đầu học tiếng Đức trình độ A1 có thể tự học tại nhà. Bạn có thể dễ dàng học qua điện thoại, máy tính ở bất kỳ đâu và bất kỳ thời gian nào. Trên web cũng có rất nhiều bài hội thoại (có Transkription) và bài tập xung quanh đoạn hội thoại. Các bạn cứ làm bài tập trên web sẽ có đáp án và giải thích đúng/sai. Ở mỗi cấp độ, trong từng bài sẽ chỉ học 1 điểm ngữ pháp nên khá là nhẹ nhàng.

Kênh Youtube lingoni German

Cách dạy trên này rất lôi cuốn và khá hay, chủ yếu bạn sẽ học được cách phân biệt, cách dùng các vấn đề ngữ pháp dễ nhầm lẫn trong ngữ pháp tiếng Đức

Ví dụ: bezahlen và zahlen

  • Mỗi ngày học 5 câu tiếng Đức 

Bạn có thể chia theo từng chủ đề, mỗi ngày bạn sẽ học 5 câu thông dụng trong chủ đề đó. Ghi nhớ cách sử dụng, ý nghĩa và hoàn cảnh áp dụng để sử dụng chúng thật nhuần nhuyễn. Cách học này rất hiệu quả không chỉ giúp bạn học từ vựng mà trên hết là cấu trúc ngữ pháp trong câu. 

  • Đưa tiếng Đức vào nhà

Cách tốt nhất để học ngoại ngữ là hòa nhập vào môi trường sử dụng ngoại ngữ ấy. Chúng ta chưa có điều kiện sang Đức thì hãy cố gắng để mọi thứ xung quanh bạn thấy đều là tiếng Đức. Đầu tiên là hãy thay đổi ngôn ngữ trên điện thoại sang tiếng Đức, điện thoại luôn bên cạnh bạn nên bạn sẽ thấy nó mọi lúc mọi nơi. Ngoài ra hãy thử viết những câu tiếng Đức vào giấy dán lên tủ lạnh, tường, cửa ra vào – những nơi dễ thấy nhất – để bộ não của bạn quen dần với ngôn ngữ đang học.

ngữ pháp tiếng Đức A1

STT

Ngữ pháp

1 Chia động từ
2 Vị trí động từ
3 Mạo từ ở Nomi
4 Quá khứ của động từ “sein” và “haben”
5 Mạo từ ở Akku
6 Mạo từ sở hữu ở Nomi
7 Mạo từ sở hữu ở Akku
8 Câu hỏi với từ để hỏi: Wann/ Um wie viel Uhr/ von wann bis wann và giới từ am/um/von…bis
9 Động từ tách
10 Dativ
11 Số thứ tự
12 Động từ khuyết thiếu ở hiện tại đơn
13 Phủ định với “nicht”
14 Trả lời cho câu hỏi có yếu tố phủ định
15 Quá khứ Perfekt
16 Từ để hỏi Welch-
17 So sánh hơn và so sánh hơn nhất
18 Đuôi tính từ ở Akku
19 Mạo từ chỉ định
20 Câu mệnh lệnh

ngữ pháp tiếng Đức A2

STT Ngữ pháp
1 Liên từ đi với động từ ở vị trí thứ 2
2 Mệnh đề phụ với “dass” và “weil”
3 Liên từ
4 So sánh hơn
5 So sánh hơn nhất
6 So sánh ngang bằng
7 Mạo từ sở hữu ở Dativ
8 Đại từ nhân xưng ở Dativ
9 Đại từ phản thân
10 Động từ đi kèm với giới từ
11 Câu hỏi gián tiếp với ob/ Fragewort
12 Câu quan hệ ở Nomi, Akku và Dativ
13 Động từ khuyết thiếu ở quá khứ Präteritum
14 Thì quá khứ Präteritum
15 Thì tương lai với “werden”
16 Động từ đi với Dativ và Akku
17 Mệnh đề phụ với als/wenn
18 Genitiv
19 Câu mục đích với um…zu…/ damit
20 Câu bị động

Xem thêm: Top 6 trung tâm tiếng Đức uy tín nhất tại Việt Nam

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on email
Email

13 bình luận

  1. mình đã áp dụng, cũng cảm thấy học A1 đỡ oải hơn, vì mình học ngoại ngữ ko được tốt

  2. muốn viết hiểu đúng ngữ pháp cần chăm chỉ, phải suy theo cách viết của người Đức chứ đừng đặt tiếng Việt sẽ dễ sai câu

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

error: Content is protected !!

Gửi ý kiến đóng góp của bạn tại đây để CMMB ngày càng hoàn thiện, phát triển hơn
CMMB luôn sẵn sàng lắng nghe và tiếp thu.

CMMB luôn đón nhận các ý kiến đóng góp của học viên và phụ huynh để CMMB nâng cao trải nghiệm.

Gửi nội dung chương trình tài trợ đến: cmmbvietnam.edu@gmail.com
CMMB sẽ phản hồi lại nếu chương trình của bạn phù hợp.

Để lại thông tin nhận tư vấn MIỄN PHÍ từ đội ngũ nhân viên tư vấn chuyên nghiệp của CMMB.
Tất cả thông tin về khoá học, lịch học, lớp học thử trải nghiệm MIỄN PHÍ.

CỐ VẤN CMMB VIỆT NAM

Tiến sĩ. Bác sĩ. NGUYỄN THỊ NGUYỆT ÁNH

Tiến sĩ y khoa, chuyên ngành dịch tễ học, ĐH y khoa Kanazawa, Nhật Bản

Nguyên Công chức Vụ tổ chức cán bộ, Bộ Y Tế, Việt Nam

Nguyên nghiên cứu viên – bác sĩ tâm lý và tâm thần trẻ em và trẻ vị thành niên, Bệnh viện đại học Ulm, CHLB Đức

Tương lai của thế giới nằm trong lớp học của ngày hôm nay!